Mô tả
Logic – Ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt
Công trình Logic – Ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt của GS. TS. Nguyễn Đức Dân mở đầu bằng câu chuyện về những lời diễn đạt mà người hỏi không cần gì đến câu trả lời theo kiểu: Ai nói đi làm ăn là một vốn bốn lời? Cô yêu tôi hay cô yêu tài sản của gia đình tôi? Cậu tưởng là bọn tớ tin tưởng vào tài nghệ của cậu à? Làm cục phó như thế thì khi nào mới lên cục trưởng?…
Những-câu-hỏi-mà-không-phải-để-hỏi như thế chúng ta có thể nghe thấy thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày từ nhà ra phố, từ bàn nhậu đến phòng họp!
Trong Logic – Ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt tác giả sẽ đưa chúng ta đi vào hành trình khám phá đến một lớp từ vựng có tần số sử dụng rất cao, và có vai trò càng đặc biệt quan trọng cả về phương diện ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa đối với tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ đơn âm, không có biến đổi về mặt hình thái.
Với hai bộ chìa khóa là lý thuyết hành vi ngôn ngữ và hệ công cụ phân tích logic – nhận thức, tác giả đã khai mở và làm sáng tỏ nhiều vấn đề hàm ý “ý tại ngôn ngoại” rất đặc sắc của từ hư trong câu tiếng Việt, kể cả trong thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ và thơ ca với những dẫn liệu ngôn ngữ hết sức đa dạng và phong phú.
Logic – Ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt là tập hợp các bài tác giả viết về từ hư suốt 40 năm qua (1976 – 2016) trong quá trình tìm kiếm vai trò của chúng trong việc hình thành hàm ý trong giao tiếp tiếng Việt. Để giải thích những hiện tượng liên quan đến từ hư tiếng Việt, tác giả dùng lý thuyết ngữ pháp chủ-vị truyền thống, tiếp cận từ hư theo quan điểm logic-nhận thức: lớp từ này phản ánh logic nhận thức của người Việt về những quan hệ cơ bản trong thiên nhiên và xã hội. Đó là lấy con người làm trung tâm để nhận thức và giải thích những hiện tượng, những quan hệ trong tự nhiên và xã hội.
Logic – Ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt, có hàm lượng học thuật cao đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu tiếng Việt.